Khoảng một thập kỷ trước việc thi công các công trình đường hầm có quy mô lớn còn “quá tầm” với các DN trong nước. Hầu hết, việc thi công các công trình hầm lớn đều có sự giúp sức từ các DN đến từ nước ngoài. Song, đến thời điểm này DN trong nước đã có thể độc lập làm chủ công nghệ, thi công các hầm đường bộ, hầm vượt sông từ đơn giản đến phức tạp.
Cấp thiết mở rộng
Hầm đường bộ Hải Vân với chiều dài hơn 6 km. Đây là hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á, xuyên qua đèo Hải Vân, nối liền Thừa Thiên – Huế và TP. Đà Nẵng. Với vị trí quan trọng, trung bình mỗi ngày hầm đường bộ Hải Vân tiếp nhận hơn 7.500 lượt xe/ngày đêm, cao điểm lên khoảng hơn 14.000 lượt xe/ngày đêm.
Sau hơn 10 năm khai thác, công trình đã bộc lộ những hạn chế khi xuất hiện ngày càng nhiều các vụ cháy nổ, ách tắc và tai nạn giao thông… Nguyên nhân chính do lượng xe lưu thông qua hầm đang tăng cao, đặc biệt việc hai làn xe ngược chiều cùng lưu thông qua hầm đã tạo nên nguy cơ mất an toàn.
Bởi vậy, việc mở rộng hầm đường bộ Hải Vân trở nên cấp thiết, nhằm cải thiện vấn đề an toàn giao thông. Từ thực tế trên, Bộ Giao thông – Vận tải đã đề xuất lên Chính phủ cho phép mở rộng hầm đường bộ Hải Vân với quy mô 4 làn xe theo hình thức BOT, chiều dài khoảng 6,2km.
Sau khi dự án hoàn thành, xe qua hầm Hải Vân sẽ lưu thông một chiều
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân. Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả trực tiếp đầu tư thực hiện, nhanh chóng triển khai dự án kịp thời đáp ứng tốc độ phát triển giao thông trên tuyến quốc lộ 1A.
Được biết, giai đoạn 1 của dự án tập trung tiến hành sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại (hầm Hải Vân 1), đảm bảo an toàn vận hành trong quá trình thi công mở rộng ống hầm lánh nạn thành hầm giao thông (hầm Hải Vân 2). Sau khi hoàn thành 2 ống hầm hoạt động đồng bộ với nhau. Giai đoạn 2, mở rộng hầm lánh nạn thành hầm giao thông để đảm bảo quy mô gồm 2 ống hầm, mỗi ống chạy một chiều với 2 làn xe.
Đồng thời, mở rộng cầu và đường dẫn hai đầu đảm bảo quy mô 4 làn xe; Xây dựng các công trình phục vụ công tác quản lý vận hành và khai thác: Trung tâm điều hành giao thông miền Trung (nhà TMC) kết nối với các hầm Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân để quản lý, điều hành; Xây dựng các công trình, trung tâm cứu hộ cứu nạn, PCCC; Trạm thu phí; trạm dừng đỗ kỹ thuật… Tổng mức đầu tư cả hai giai đoạn 7.295 tỷ đồng. Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành quý II/2017, giai đoạn 2 hoàn thành tháng 12/2020.
Theo đại diện chủ đầu tư, dự án mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Hải Vân sau khi hoàn thành sẽ tăng lưu thoát phương tiện trên tuyến quốc lộ 1A, bảo đảm an toàn cho các phương tiện khi qua hầm đường bộ Hải Vân, góp phần phát triển hạ tầng giao thông quốc gia, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực miền Trung.
Công nghệ thi công hiện đại
Khoảng một thập kỷ trước việc thi công các công trình đường hầm có quy mô lớn còn “quá tầm” với các DN trong nước. Hầu hết, việc thi công các công trình hầm lớn đều có sự giúp sức từ các DN đến từ nước ngoài. Song, đến thời điểm này DN trong nước đã có thể độc lập làm chủ công nghệ, thi công các hầm đường bộ, hầm vượt sông từ đơn giản đến phức tạp.
Trong số những DN tiên phong trong công nghệ thi công hầm đường bộ phải kể đến Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả. Đây là DN đã và đang thi công nhiều công trình hầm đường bộ hiện đại nhất nhì ở Việt Nam như, hầm đường bộ Đèo Cả nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hay hầm đường bộ qua đèo Cù Mông nối Bình Định và Phú Yên, đến nay là dự án hầm đường bộ Hải Vân mở rộng.
Tại công trình hầm đường bộ Hải Vân mở rộng, do thi công hầm đường bộ không phải từ đầu mà được xây dựng trên cơ sở mở rộng hầm thoát hiểm, trong thời gian thi công, hoạt động lưu thông của các phương tiện trên hầm số 1 hiện tại và hầm thoát hiểm vẫn diễn ra bình thường. Điều này, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà thầu thi công với đơn vị quản lý vận hành khai thác hầm và hai địa phương.
Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã đưa ra giải pháp thi công hầm đường bộ Hải Vân 2 theo phương pháp xây dựng hầm NATM (New Austrian Tunnelling Method: Phương pháp xây dựng hầm mới của Áo). Đây là phương án được nhiều nước tiên tiến trên thế giới công nhận là phương pháp xây dựng hầm hiện đại và có nhiều ưu điểm so với các phương pháp thông thường.
Việc áp dụng công nghệ mới trong thi công hầm đường bộ của Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả đã khẳng định được khả năng, trình độ về công nghệ triển khai xây dựng hầm đường bộ đã phát triển vượt bậc của Việt Nam.
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, công tác triển khai dự án hầm đường bộ Hải Vân 2 đang được tích cực thực hiện. Các công việc thuộc dự án được triển khai bảo đảm tiến độ thi công an toàn và hiệu quả. Từ thời điểm khởi công đến nay giai đoạn 1 dự án, đã cơ bản hoàn thành đúng tiến độ.
Giai đoạn 2, đang tổ chức thi công mũi phía bắc mở rộng hầm Hải Vân 2; đến thời điểm đầu tháng 3/2017 sẽ mở mũi thi công ở phía Nam. Hỗ trợ cho nhà đầu tư, các hạng mục giải phóng mặt bằng cho dự án đã và đang được Thừa Thiên – Huế và TP. Đà Nẵng tích cực triển khai, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai thi công.
Đặc biệt, tiếp sức cho dự án với mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và CTCP đầu tư Đèo Cả, VietinBank đã tiếp tục đầu tư vốn cho dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân. Theo đó, VietinBank và CTCP đầu tư Đèo Cả đã ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn 2 với số tiền 4.182 tỷ đồng.
Trước đó, VietinBank đã cung cấp vốn cho DN thi công các dự án lớn như, hợp phần BOT hầm Đèo Cả 5.960 tỷ đồng, hợp phần BT hầm Đèo Cả 3.166 tỷ đồng; hợp phần BOT hầm Cù Mông 3.351 tỷ đồng… Với những hỗ trợ tích cực hiệu quả từ VietinBank, là chỗ dựa tài chính vững chắc để CTCP đầu tư Đèo Cả có thể thực hiện thành công các dự án giao thông trọng điểm trong cả nước.